Husky là một trong những giống chó được yêu thích nhất hiện nay nhờ ngoại hình mạnh mẽ và đôi mắt cuốn hút. Có nguồn gốc từ vùng Siberia lạnh giá, chúng nổi tiếng với khả năng kéo xe và sức bền vượt trội. Đặc điểm ngoại hình của chó Husky cũng rất đặc trưng, với kích thước lớn, bộ lông dày, đôi mắt sắc nét và biểu cảm hài hước khiến chúng trở nên nổi bật so với các loài chó khác.
Không chỉ có ngoại hình đẹp, giống chó này còn gây ấn tượng với tính cách tràn đầy năng lượng, thân thiện, hòa đồng với trẻ em và gia đình. Tuy nhiên, việc chăm sóc chó Husky ở nơi có khí hậu nóng ẩm như Việt Nam đòi sự chú ý đặc biệt về chế độ ăn uống, chế độ luyện tập và chăm sóc.
Trong bài viết này, Linhvet sẽ cung cấp cho bạn những thông tin đầy đủ về nguồn gốc, cách chăm sóc và giá bán hiện nay của các giống chó Husky phổ biến tại Việt Nam.
Nội dung chính
1. Giới thiệu tổng quan về giống chó Husky
Chó Husky (hay còn được gọi là Siberian Husky) là giống chó đến từ vùng Đông Bắc của nước Nga. Chúng nổi tiếng với vai trò kéo xe trên băng tuyết và đã đồng hành cùng người dân bản địa Chukchi trong hàng nghìn năm. Khả năng chịu đựng điều kiện khắc nghiệt và sức bền phi thường đã giúp Husky trở thành người bạn đồng hành đáng tin cậy.
Vào đầu thế kỷ 20, Husky được đưa đến Alaska và nhanh chóng nổi tiếng nhờ khả năng kéo xe tuyệt vời trong các cuộc đua. Tại Việt Nam, Husky bắt đầu được ưa chuộng từ khoảng năm 2010, khi xu hướng nuôi chó cảnh ngoại nhập ngày càng phổ biến.
Hiện nay, bên cạnh Siberian Husky thuần chủng còn có các dòng Husky lai như Alaskan Husky (lai giữa Siberian Husky và các giống chó khác) và Miniature Husky (phiên bản nhỏ hơn của Siberian Husky). Mỗi loại đều có những đặc điểm riêng, nhưng đều mang vẻ đẹp hoang dã và tinh thần mạnh mẽ đặc trưng của dòng chó tuyết này.
2. Đặc điểm ngoại hình của Husky
Husky có ngoại hình ấn tượng với đôi mắt đẹp như đá quý và bộ lông mượt mà. Dưới đây là những đặc điểm ngoại hình chính của giống chó này:
Kích thước và cân nặng
Dưới đây là bảng kích thước và cân nặng của chó Husky theo độ tuổi và giới tính:
Độ tuổi | Giới tính | Chiều cao (cm) | Cân nặng (kg) |
2 tháng | Đực | 22-25 | 4.5-5.5 |
Cái | 20-23 | 4-5 | |
4 tháng | Đực | 35-40 | 9-11 |
Cái | 33-38 | 8-10 | |
6 tháng | Đực | 45-50 | 15-18 |
Cái | 43-48 | 13-16 | |
8 tháng | Đực | 50-55 | 18-22 |
Cái | 48-53 | 16-20 | |
10 tháng | Đực | 52-58 | 20-25 |
Cái | 50-55 | 18-23 | |
12 tháng | Đực | 53-60 | 20-27 |
Cái | 50-56 | 16-23 | |
Trưởng thành (18+ tháng) | Đực | 53-60 | 20-27 |
Cái | 50-56 | 16-23 |
Lưu ý:
- Các số liệu trên là ước tính trung bình và có thể có sự khác biệt giữa các cá thể.
- Husky đạt kích thước trưởng thành đầy đủ khoảng 12-18 tháng tuổi.
- Cân nặng có thể thay đổi tùy thuộc vào chế độ ăn uống và mức độ vận động.
- Chó đực thường lớn hơn và nặng hơn chó cái một chút.
- Một số cá thể có thể nhỏ hơn hoặc lớn hơn so với tiêu chuẩn này mà vẫn khỏe mạnh.
Bộ lông
Bộ lông của chó Husky có hai lớp chính: lớp lông trong (undercoat) và lớp lông ngoài (topcoat). Lớp lông trong mềm, dày và ngắn, có tác dụng giữ nhiệt cho cơ thể, giúp Husky chịu được nhiệt độ cực thấp. Lớp lông ngoài dài hơn, thẳng và cứng, có khả năng chống thấm nước và phản xạ ánh nắng mặt trời. Sự kết hợp của hai lớp lông này tạo nên một hệ thống cách nhiệt hiệu quả, giúp Husky điều hòa thân nhiệt trong cả điều kiện lạnh và nóng. Ngoài ra, bộ lông này còn bảo vệ da khỏi các tác động bên ngoài như côn trùng cắn và cào xước. Đặc biệt, bộ lông Husky có khả năng tự làm sạch, giúp chúng luôn trông sạch sẽ ngay cả khi không tắm thường xuyên.
Về màu lông, Husky có nhiều màu lông đa dạng, phổ biến nhất là:
- Đen và trắng
- Xám và trắng
- Đỏ và trắng
- Nâu đồng và trắng
- Toàn trắng
Đặc điểm mắt
Husky có đôi mắt hình hạnh nhân. Mắt của chúng có màu xanh dương, nâu, hổ phách hoặc dị sắc (hai 2 mắt khác màu). Lý giải cho hiện tượng trên là do kết quả của di truyền và liên quan đến sự phân bố của melanin trong mống mắt. Melanin là sắc tố quyết định màu sắc của mắt, da và lông. Ở Husky, gen quy định sự phân bố melanin có thể hoạt động khác nhau ở mỗi mắt, dẫn đến hiện tượng một mắt có nhiều melanin (thường là màu nâu) và mắt còn lại có ít hoặc không có melanin (thường là màu xanh). Đây là một đặc điểm di truyền phổ biến ở Husky và không ảnh hưởng đến thị lực của chúng. Hiện tượng này được gọi là Heterochromia Iridis và là một trong những đặc điểm ngoại hình độc đáo, thu hút của giống chó này.
Sự khác nhau giữa Siberian Husky và Alaskan Malamute
Thoạt nhìn thì ngoại hình của Husky Siberian và Alaskan Malamute rất giống nhau nên mọi người thường nhầm lẫn chúng là một. Dưới đây là những điểm khác nhau giúp bạn phân biệt 2 giống chó này:
- Kích thước: Siberian Husky nhỏ hơn với chiều cao 50-60 cm, trong khi Alaskan Malamute lớn hơn với chiều cao 58-64 cm.
- Cân nặng: Siberian Husky nhẹ hơn, trọng lượng từ 16-27 kg. Alaskan Malamute nặng hơn đáng kể, có thể đạt 34-39 kg khi trưởng thành.
- Màu mắt: Siberian Husky có thể có mắt màu xanh, nâu, hổ phách hoặc dị sắc. Alaskan Malamute thường chỉ có mắt màu nâu.
- Màu lông: Siberian Husky có nhiều màu lông đa dạng. Alaskan Malamute thường có màu xám trắng hoặc đen trắng.
- Đuôi: Cả hai giống đều có đuôi cong, nhưng đuôi của Alaskan Malamute thường dày và xù hơn.
- Mục đích sử dụng: Siberian Husky được lai tạo để kéo xe nhẹ với tốc độ cao. Alaskan Malamute được lai tạo để kéo các vật nặng với tốc độ chậm hơn.
3. Tính cách và hành vi của Husky
Husky nổi tiếng với tính cách độc đáo, thường được miêu tả là “tưng tửng” và đôi khi có vẻ hơi “ngáo”. Đây là những chú chó có cá tính mạnh mẽ, thông minh nhưng cũng rất tinh nghịch và khó đoán.
Tính cách “tưng tửng” của Husky thể hiện qua những hành động bất ngờ và đôi khi khó hiểu. Chúng có thể đột nhiên chạy vòng quanh nhà, sủa không rõ lý do, hoặc thậm chí tự nói chuyện với chính mình bằng những âm thanh kỳ lạ. Điều này có thể gây ra tiếng ồn cho hàng xóm, đặc biệt là khi chúng bị để một mình quá lâu.
Giống cho này cũng nổi tiếng với khả năng “phá hoại” đáng kinh ngạc. Với bản năng đào bới mạnh mẽ, chúng có thể nhanh chóng biến khu vườn xinh đẹp thành một bãi chiến trường. Trong nhà, đồ đạc, giày dép, và thậm chí cả tường nhà đều có thể trở thành “nạn nhân” của sự nghịch ngợm này nếu chúng không được vận động đủ.
Mặc dù vậy, Husky là những chú chó vô cùng thân thiện và yêu thương con người. Chúng đặc biệt kiên nhẫn và nhẹ nhàng với trẻ em. Tuy nhiên, do Husky có kích thước lớn nên bạn cần giám sát khi chúng chơi với trẻ nhỏ để tránh tai nạn không đáng có.
4. Cách chăm sóc Husky tại Việt Nam
Khác với những giống chó nội địa, Husky là giống chó đến từ xứ lạnh nên việc chăm sóc ở Việt Nam sẽ vất vả hơn do nước mình có khí hậu nóng ẩm. Để tạo điều kiện sống tốt cho chó, bạn cần phải chú ý những điều sau:
Chế độ ăn uống
Husky cần một chế độ ăn cân bằng, giàu protein và chất béo để duy trì năng lượng cao và bộ lông khỏe mạnh. Dưới đây là bảng chế độ ăn gợi ý cho chó trưởng thành:
Bữa ăn Thời gian Khẩu phần Sáng 7-8 giờ 200-250g thức ăn khô hoặc 300-350g thức ăn ướt Tối 17-18 giờ 200-250g thức ăn khô hoặc 300-350g thức ăn ướt
Thực phẩm nên ăn:
- Thịt nạc (gà, bò, cá)
- Rau củ (cà rốt, đậu xanh, bí đỏ)
- Trứng (đã nấu chín)
- Thức ăn chuyên dụng cho chó
Thực phẩm nên tránh:
- Socola (chứa theobromine, độc hại cho chó)
- Hành, tỏi (có thể gây thiếu máu)
- Nho, nho khô (có thể gây suy thận)
- Thức ăn nhiều muối hoặc gia vị
Chăm sóc lông và da
Husky có bộ lông hai lớp dày đặc giúp chúng thích nghi tốt với khí hậu lạnh. Trong điều kiện nóng ẩm ở Việt Nam, việc chăm sóc lông đúng cách là rất quan trọng:
- Chải lông thường xuyên: 2-3 lần/tuần, có thể 4-5 lần/tuần trong mùa thay lông.
- Tắm cho chó: 1-2 tháng/lần, không nên tắm quá thường xuyên để không làm mất lớp dầu tự nhiên bảo vệ da
- Kiểm tra và vệ sinh tai, mắt, răng định kỳ.
- Trong mùa nóng, có thể cắt tỉa lông nhẹ nhàng (không cạo trọc) để giúp chó mát mẻ hơn.
Chế độ tập luyện
Husky là giống chó có năng lượng cao, cần được vận động nhiều để duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần. Mỗi ngày, bạn nên cho chó đi bộ ít nhất 1-2h vào buổi sáng hoặc tối. Cho chó chơi các trò chơi như ném nóng, kéo co kết hợp với các bài huấn luyện trí tuệ để giải phóng năng lượng và tăng cường sức khỏe cho chó.
Lưu ý: Trong thời tiết nóng, nên tập luyện vào sáng sớm hoặc chiều tối để tránh say nắng cho chó.
Môi trường sống
Husky là giống chó thích nghi tốt với khí hậu lạnh và phù hợp nhất với nhiệt độ từ -10°C đến 15°C. Chúng có thể chịu được nhiệt độ thấp tới -60°C nhờ bộ lông dày hai lớp. Tuy nhiên, ở nhiệt độ trên 20°C, Husky bắt đầu cảm thấy không thoải mái. Môi trường sống lý tưởng cho Husky là nơi có không gian rộng rãi, thoáng mát và có khu vực ngoài trời an toàn để chúng có thể chạy nhảy và vui chơi. Trong điều kiện khí hậu nóng ẩm như ở Việt Nam, việc duy trì nhiệt độ mát mẻ trong nhà (khoảng 20-25°C) là rất quan trọng. Bạn có thể sắp xếp chỗ ngủ cho chó ở những nơi thoáng mát và có điều hòa.
5. Những điều cần biết trước khi nuôi Husky
Trước khi quyết định nuôi Husky, có một số điều quan trọng bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng:
Thời gian và công sức chăm sóc
Husky là giống chó đòi hỏi nhiều thời gian và sự quan tâm từ chủ nhân. Chúng cần được vận động thường xuyên và không thích bị bỏ mặc một mình trong thời gian dài.
Nếu bạn có lịch trình bận rộn và thường xuyên vắng nhà, việc nuôi Husky có thể không phải là lựa chọn phù hợp. Giống chó này cần được tương tác và vui chơi cùng chủ nhân để tránh cảm giác cô đơn và các hành vi phá phách.
Chi phí hàng tháng
Nuôi Husky đòi hỏi một khoản chi phí không nhỏ mỗi tháng. Dưới đây là bảng ước tính chi phí hàng tháng cho một chú Husky trưởng thành:
Khoản mục Chi phí (VNĐ) Thức ăn 1,500,000 – 2,000,000 Chăm sóc y tế (vắc-xin, tẩy giun) 500,000 – 1,000,000 Phụ kiện (đồ chơi, vòng cổ, dây xích) 500,000 – 1,000,000 Chăm sóc lông (sản phẩm vệ sinh, cắt tỉa) 500,000 – 1,000,000 Tổng cộng 3,000,000 – 5,000,000
Lưu ý rằng chi phí này có thể thay đổi tùy thuộc vào chất lượng sản phẩm và dịch vụ bạn chọn. Ngoài ra, còn có các chi phí phát sinh như khám bệnh đột xuất, huấn luyện chuyên nghiệp, v.v.
6. Giá bán của các dòng Husky phổ biến tại Việt Nam
Giá bán của chó Husky tại Việt Nam có thể dao động đáng kể tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Dưới đây là bảng giá tham khảo cho các dòng Husky phổ biến:
Giống Husky Giá bán (triệu đồng) Siberian Husky thuần chủng 10 – 15 Husky lai Alaska 6 – 8 Miniature Husky 8 – 12
Các yếu tố ảnh hưởng đến giá bán Husky bao gồm:
- Nguồn gốc: Husky nhập khẩu hoặc có giấy tờ chứng nhận xuất xứ từ các trại giống uy tín thường có giá cao hơn.
- Màu lông: Một số màu lông hiếm như toàn trắng, đen tuyền, hoặc có mắt xanh dị sắc có thể được định giá cao hơn.
- Sức khỏe: Chó khỏe mạnh, đã được tiêm phòng đầy đủ và có giấy chứng nhận sức khỏe từ bác sĩ thú y sẽ có giá trị cao hơn.
- Độ thuần chủng: Husky thuần chủng, đặc biệt là những con có huyết thống tốt và giấy chứng nhận từ các tổ chức uy tín như AKC (American Kennel Club), sẽ có giá cao hơn nhiều so với Husky lai.
- Tuổi tác: Chó con thường có giá cao hơn chó trưởng thành.
- Giới tính: Trong một số trường hợp, chó cái có thể có giá cao hơn chó đực do tiềm năng sinh sản.
Khi mua Husky, bạn nên chọn mua từ các nguồn uy tín như trại giống được công nhận hoặc cửa hàng thú cưng có danh tiếng. Điều này không chỉ đảm bảo bạn nhận được một chú chó khỏe mạnh và thuần chủng, mà còn giúp bạn tránh được các rủi ro liên quan đến sức khỏe và hành vi của chó.
7. Câu hỏi thường gặp về giống chó Husky
Husky có dễ huấn luyện không?
Không, Husky không phải là giống chó dễ huấn luyện. Chúng nổi tiếng với tính cách độc lập và đôi khi bướng bỉnh. Chúng thông minh nhưng không phải lúc nào cũng muốn làm theo ý chủ. Việc huấn luyện giống chó này đòi hỏi sự kiên nhẫn, nhất quán và kỹ thuật tích cực. Bắt đầu huấn luyện từ khi chúng còn nhỏ và duy trì đều đặn sẽ mang lại kết quả tốt nhất.
Husky có thể sống tốt trong nhà phố không?
Không hoàn toàn. Husky cần không gian rộng rãi để chạy nhảy và khám phá. Sống trong nhà phố có thể khiến Husky cảm thấy bó buộc và dẫn đến các hành vi tiêu cực như cắn phá đồ đạc hoặc sủa quá nhiều. Tuy nhiên, nếu bạn có thể đảm bảo đủ thời gian đưa chúng ra ngoài vận động hàng ngày (ít nhất 1-2 giờ), Husky vẫn có thể thích nghi với cuộc sống trong nhà phố.
Husky có hợp với khí hậu nóng không?
Không, Husky không thích hợp với khí hậu nóng. Chúng được sinh ra để sống trong môi trường lạnh giá và có bộ lông dày để giữ ấm. Trong khí hậu nóng, Husky dễ bị quá nhiệt và mất nước. Nếu nuôi Husky ở vùng khí hậu nóng như Việt Nam, bạn cần chú ý đặc biệt đến việc giữ mát cho chúng. Điều này bao gồm cung cấp nước uống đầy đủ, tránh cho chúng ra ngoài vào những giờ nắng gắt, và có thể cần sử dụng điều hòa hoặc quạt mát trong những ngày nóng nhất.
Kết luận
Chó Husky không chỉ gây ấn tượng với ngoại hình mạnh mẽ và đôi mắt đặc trưng mà còn với tính cách tràn đầy năng lượng và sự thân thiện. Tuy nhiên, việc nuôi giống chó này đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt về chế độ chăm sóc và môi trường sống phù hợp. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về giống chó Husky để có quyết định nuôi dưỡng đúng đắn và phù hợp.
Linhvet – Trang Thông Tin Thú Y
- Fanpage: Linhvet – Trang Thông Tin Thú Y
- Email: Linhvet.contact@gmail.com
- Website: https://linhvet.com
Linh Nguyễn, một bác sĩ thú y đầy nhiệt huyết với tình yêu mãnh liệt dành cho động vật, đã sáng lập nên Linhvet – Trang Thông Tin Thú Y, nhằm chia sẻ những kiến thức và thông tin hữu ích về cách chăm sóc và chữa bệnh cho động vật. Với mong muốn đóng góp cho sự phát triển của ngành Thú Y Việt Nam, Linhvet cung cấp các tài liệu chuyên môn và cập nhật những tiến bộ mới nhất trong ngành.