Bệnh Care ở chó là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể gây tử vong cho chó nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Virus gây bệnh tấn công trực tiếp vào hệ hô hấp, tiêu hóa và thần kinh của chó và gây ra những triệu chứng điển hình như co giật, tiêu chảy, sốt cao, nôn mửa. Bệnh lây qua không khí, tiếp xúc trực tiếp và truyền từ mẹ sang con. Hiện tại, bệnh này không có thuốc điều trị đặc hiệu và chỉ có thể điều trị tích cực để nâng cao sức đề kháng cho chó.
Hiểu rõ về các triệu chứng, cách phòng ngừa và xử lý bệnh sẽ giúp bạn bảo vệ thú cưng của mình tránh khỏi căn bệnh nguy hiểm này. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn tất cả những thông tin cần thiết để phát hiện và ngăn ngừa bệnh Care ở chó một cách hiệu quả.
Nội dung chính
- 1. Tìm Hiểu Về Bệnh Canine Distemper (Bệnh Care ở Chó)
- 2. Đường Truyền Lây Của Virus gây bệnh Care ở Chó
- 3. Triệu Chứng Điển Hình Của Bệnh Care ở Chó
- 4. Các Giai Đoạn Phát Triển Của Bệnh Care ở Chó
- 5.Chẩn Đoán Bệnh Care Ở Chó
- 7. Phương Pháp Điều Trị Bệnh Care
- 8. Di Chứng Sau Khi Chó Mắc Bệnh Care
- 9. Phòng Ngừa Bệnh Care ở Chó
- 10. Câu Hỏi Thường Gặp Về Bệnh Care Ở Chó
- Kết luận
1. Tìm Hiểu Về Bệnh Canine Distemper (Bệnh Care ở Chó)
Bệnh Care (hay còn gọi là bệnh sài sốt trên chó) có tên khoa học là Canine Distemper, là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Canine Distemper Virus (CDV) gây ra. Virus này thuộc họ thuộc họ Paramyxoviridae, là một virus RNA có vỏ bọc lipid, có khả năng tấn công nhiều hệ cơ quan trong cơ thể chó bao gồm hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, hệ thần kinh trung ương và da.
Bệnh đặc biệt nghiêm trọng ở chó con dưới 4 tháng tuổi và chó không được tiêm phòng, với tỷ lệ tử vong có thể lên đến 50% ở chó trưởng thành và gần 80% ở chó con. Những con chó sống sót sau khi mắc bệnh thường phải chịu những di chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống.
Mọi loại chó đều có thể mắc bệnh Care, không phân biệt giống hay độ tuổi. Ngoài chó, virus CDV còn có thể lây nhiễm sang các loài động vật hoang dã như chồn, cáo, và gấu mèo, làm tăng nguy cơ lây lan trong tự nhiên. Mèo cũng có thể phơi nhiễm với CDV nhưng không biểu hiện bệnh.
2. Đường Truyền Lây Của Virus gây bệnh Care ở Chó
Cơ chế lây nhiễm của virus CDV liên quan chặt chẽ đến khả năng xâm nhập vào tế bào vật chủ thông qua thụ thể tế bào đặc hiệu. Virus có thể lây lan qua nhiều con đường khác nhau. Dưới đây là các đường truyền lây chính của virus:
- Lây qua không khí: Khi chó mắc bệnh ho, hắt hơi hoặc sủa, virus được phát tán vào không khí dưới dạng các giọt bắn nhỏ. Chó khỏe mạnh hít phải thì sẽ phơi nhiễm với virus.
- Tiếp xúc trực tiếp: Virus có thể lây lan khi chó khỏe mạnh liếm, căn hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của chó bị nhiễm bệnh. Ngoài ra, virus cũng có thể lây lan qua việc tiếp xúc với các bề mặt bị nhiễm khuẩn như bát ăn, nước uống hoặc đồ chơi của chó bệnh.
- Lây truyền qua nhau thai: Trong trường hợp chó mẹ bị nhiễm bệnh Care, virus có thể truyền qua nhau thai sang chó con. Điều này làm tăng nguy cơ các chó con sinh ra đã mang mầm bệnh hoặc có hệ miễn dịch yếu, dễ mắc bệnh sau khi sinh.
Điều đáng chú ý là chó mắc bệnh Care có thể đào thải mầm bệnh ra môi trường trong thời gian dài, từ 2-3 tháng sau khi nhiễm bệnh. Đối với những con chó mắc bệnh ở thể thần kinh, thời gian đào thải virus có thể kéo dài từ 6-8 tháng.
3. Triệu Chứng Điển Hình Của Bệnh Care ở Chó
Bệnh Care ở chó có thể gây ra một loạt các triệu chứng khác nhau, tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh và hệ cơ quan bị ảnh hưởng. Ban đầu, virus sẽ tấn công vào hệ miễn dịch và làm hệ miễn dịch suy yếu, từ đó chó sẽ mắc nhiều bệnh nhiễm trùng hơn. Tiếp theo, virus sẽ lây lan và ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, hệ thần kinh và hệ hô hấp gây nên những triệu chứng sau:
Triệu chứng hô hấp
- Khó thở: Chó có thể thở nhanh, nông hoặc có tiếng thở bất thường.
- Ho khan: Thường là ho dai dẳng, không có đờm.
- Chảy nước mũi: Ban đầu là nước mũi trong, sau đó có thể chuyển sang màu vàng hoặc xanh.
Triệu chứng tiêu hóa
- Tiêu chảy: Phân lỏng, có thể có máu.
- Nôn mửa: Thường xuyên và có thể kèm theo chất nhầy hoặc máu.
- Mất nước: Do tiêu chảy và nôn mửa, chó có thể bị mất nước nghiêm trọng.
Triệu chứng thần kinh
- Co giật: Có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể.
- Liệt cơ: Thường bắt đầu từ chân sau và có thể lan lên toàn thân.
- Mất cân bằng: Chó có thể đi lại không vững, dễ ngã.
Ngoài ra, những con chó mắc bệnh Care cũng có thể xuất hiện triệu chứng bề mặt mũi và đệm chân bị sừng hóa (hyperkeratosis) ở mũi và đệm chân. Đây là dấu hiệu đặc trưng của bệnh Care và gây đau đớn cho chó.
4. Các Giai Đoạn Phát Triển Của Bệnh Care ở Chó
Thời kỳ ủ bệnh Care ở chó thường kéo dài từ 3-7 ngày, sau đó chó sẽ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng lâm sàng. Bệnh thường diễn tiến qua ba giai đoạn chính:
Giai đoạn đầu (3-6 ngày sau khi nhiễm)
Trong giai đoạn này, các triệu chứng thường khá nhẹ và có thể dễ bị bỏ qua. Chó có thể bắt đầu sốt, chảy nước mắt và nước mũi trong. Chúng cũng có thể trở nên biếng ăn và ho nhẹ. Đây là giai đoạn quan trọng để phát hiện và can thiệp sớm, tuy nhiên, nhiều chủ nuôi có thể bỏ qua các dấu hiệu này vì chúng tương tự như các bệnh hô hấp thông thường.
Giai đoạn giữa (sau 6 ngày)
Ở giai đoạn này, bệnh bắt đầu trở nên nghiêm trọng hơn. Chó có thể bị viêm phổi, dẫn đến khó thở và ho nặng hơn. Lúc này, chó xuất hiện các triệu chứng như tiêu chảy và nôn mửa gây mất nước và suy kiệt.Chó bắt đầu có dấu hiệu về hệ thần kinh như co giật hoặc mất cân bằng. Đây là giai đoạn nguy hiểm và cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.
Giai đoạn cuối
Đây là giai đoạn nguy kịch nhất của bệnh. Các triệu chứng thần kinh trở nên rõ rệt, bao gồm liệt, động kinh và mất kiểm soát cơ thể. Nhiều chó có thể tử vong trong giai đoạn này do suy hô hấp hoặc nhiễm trùng nặng. Ngay cả khi sống sót, chó cũng có thể phải chịu những di chứng lâu dài về thần kinh.
5.Chẩn Đoán Bệnh Care Ở Chó
Chẩn đoán chính xác bệnh Care đòi hỏi sự kết hợp của nhiều phương pháp do triệu chứng của nó có thể giống với các bệnh khác như bệnh Parvo hoặc bệnh dại. Các phương pháp chẩn đoán bao gồm:
Chẩn đoán lâm sàng
Bác sĩ thú y sẽ xem xét các triệu chứng lâm sàng như co giật, nôn mửa, tiêu chảy và tiền sử của chó. Tuy nhiên, do triệu chứng của bệnh Care có thể giống với nhiều bệnh khác, nên chẩn đoán lâm sàng chỉ là bước đầu trong quá trình xác định bệnh.
Test nhanh CDV
Ở các phòng khám, các bác sĩ thường sử dụng test nhanh CDV để xác định chó có bị mắc bệnh hay không. Ưu điểm của xét nghiệm này là đơn giản và có kết quả nhanh. Bạn chỉ cần lấy mẫu bệnh phẩm (rỉ mắt, nước mũi, phân), cho vào dung dịch đệm và nhỏ vào que test. Nếu que test hiện lên 2 vạch C và T thì chó của bạn đã dương tính với CDV.
Tuy nhiên, độ nhạy của xét nghiệm này vẫn không thể bằng xét nghiệm PCR. Trong một số trường hợp, test nhanh vẫn trả kết quả không chính xác. Nhưng đối với điều kiện của các phòng khám thì test nhanh vẫn là xét nghiệm được ưu tiên vì tính tiện dụng của nó vì không phải phòng khám nào cũng có đủ điều kiện và tiêu chuẩn để làm xét nghiệm PCR.
Xét nghiệm PCR
Xét nghiệm PCR (Phản ứng chuỗi polymerase) đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán bệnh Care ở chó. Đây là phương pháp chẩn đoán tiêu chuẩn vàng nhờ độ chính xác và nhạy cao. PCR hoạt động bằng cách nhân bản các đoạn DNA đặc hiệu của virus CDV, sử dụng mồi đặc hiệu để nhận diện và khuếch đại gen đích, thường là gen N hoặc gen H. Ưu điểm của PCR bao gồm khả năng phát hiện virus ở nồng độ thấp và độ đặc hiệu cao, giúp phân biệt CDV với các virus khác. PCR có thể thực hiện trên nhiều loại mẫu bệnh phẩm như máu, nước tiểu, hoặc dịch mũi họng. Tuy nhiên, kỹ thuật này đòi hỏi trang thiết bị chuyên dụng và nhân viên được đào tạo, khiến chi phí cao hơn so với các phương pháp chẩn đoán khác.
6. Xét nghiệm máu và chụp X-quang
Các xét nghiệm này có thể được sử dụng để xác định mức độ tổn thương của các cơ quan và đánh giá tình trạng tổng thể của chó.
7. Phương Pháp Điều Trị Bệnh Care
Bệnh Care ở chó không có thuốc đặc trị. Phác đồ điều trị chủ yếu tập trung vào việc kiểm soát triệu chứng và tăng cường sức đề kháng cho chó. Các phương pháp điều trị chính bao gồm:
Chăm sóc hỗ trợ
- Kháng sinh: Sử dụng các loại kháng sinh như amoxicillin, ampicillin hoặc doxycycline để ngăn ngừa nhiễm trùng thứ cấp. Việc sử dụng kháng sinh là cần thiết vì hệ miễn dịch của chó bị suy yếu do virus, khiến chúng dễ bị các bệnh nhiễm trùng khác.
- Dịch truyền: Trong trường hợp chó bị tiêu chảy và nôn mửa nghiêm trọng, việc bổ sung dịch qua đường truyền tĩnh mạch là cần thiết để ngăn ngừa tình trạng mất nước và mất cân bằng điện giải.
- Thuốc chống co giật: Các loại thuốc như diazepam hoặc phenobarbital có thể được sử dụng khi chó xuất hiện triệu chứng thần kinh như co giật. Việc kiểm soát các cơn co giật là rất quan trọng để ngăn ngừa tổn thương não.
Lưu ý rằng loại thuốc và liều lượng sử dụng sẽ tùy thuộc vào tình trạng, triệu chứng và mức độ nặng của chó mắc bệnh, không có phác đồ chung cho tất cả các trường hợp.
Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch trong điều trị bệnh Care ở chó là một phương pháp tiên tiến nhằm tăng cường khả năng chống virus của cơ thể vật chủ. Phương pháp này chủ yếu sử dụng interferon và kháng thể đơn dòng. Interferon là protein tự nhiên do cơ thể sản xuất, có khả năng kích thích hệ miễn dịch và ức chế sự nhân lên của virus. Khi được đưa vào cơ thể chó bệnh, interferon có tác dụng “bảo vệ tế bào bên cạnh”, tức là bảo vệ các tế bào khỏe mạnh khỏi các tác động của virus. Kháng thể đơn dòng được tạo ra trong phòng thí nghiệm, có khả năng nhận diện và gắn kết với virus CDV một cách đặc hiệu, từ đó vô hiệu hóa virus và ngăn chặn sự lây lan của nó trong cơ thể. Liệu pháp này đặc biệt hữu ích trong giai đoạn đầu của bệnh, giúp giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và rút ngắn thời gian hồi phục cho chó bệnh.
Trong một số trường hợp nặng khi chó có tiên lượng không tốt và đau đớn kéo dài, việc chết nhân đạo (trợ tử) có thể được cân nhắc. Quyết định này luôn phải được thảo luận kỹ lưỡng giữa bác sĩ thú y và chủ nuôi.
8. Di Chứng Sau Khi Chó Mắc Bệnh Care
Sau khi vượt qua giai đoạn nguy hiểm của bệnh Care, nhiều chó vẫn phải đối mặt với các di chứng lâu dài. Những di chứng này có thể ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của chó:
- Di chứng về thần kinh là thường gặp nhất. Chó có thể bị co giật hoặc run rẩy cơ bắp. Trong trường hợp nặng, chó có thể bị liệt hoặc động kinh kéo dài. Một số chó còn phát triển hội chứng “bệnh Care ở chó già”. Hội chứng này khiến chó xuất hiện các triệu chứng thần kinh sau một thời gian dài đã hồi phục từ bệnh Care.
- Hệ miễn dịch của chó sau khi mắc Care thường bị suy yếu đáng kể khiến chúng dễ mắc các bệnh nhiễm trùng khác.
- Một số chó có thể phát triển tình trạng da và gan bàn chân dày lên. Hiện tượng này được gọi là hyperkeratosis. Nó không chỉ gây đau đớn mà còn khiến chó gặp khó khăn khi di chuyển.
- Nếu chó bị mắc bệnh Care trước khi răng vĩnh viễn mọc, có thể dẫn đến tổn thương răng mãi mãi. Điều này ảnh hưởng đến khả năng ăn uống và có thể gây ra các vấn đề về răng miệng trong tương lai.
9. Phòng Ngừa Bệnh Care ở Chó
Phòng ngừa luôn là biện pháp tốt nhất để bảo vệ chó khỏi bệnh Care. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa hiệu quả:
- Tiêm phòng vaccine là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa bệnh Care ở chó. Chó con nên được tiêm vaccine từ 6-8 tuần tuổi. Sau đó cần tiêm nhắc lại định kỳ sau 3-4 tuần cho đến khi chó được 16-20 tuần tuổi. Sau khi hoàn thành liệu trình này, chó cần được tiêm nhắc lại hàng năm để duy trì miễn dịch.
- Chó mắc bệnh có thể đào thải virus ra môi trường trong thời gian dài, từ 2-3 tháng, thậm chí 6-8 tháng đối với các ca bệnh thần kinh, làm tăng nguy cơ lây lan trong quần thể. Vì vậy, vệ sinh môi trường sống của chó cũng rất quan trọng. Nếu có chó bị nhiễm bệnh, cần cách ly ngay để tránh lây lan virus. Đồng thời, cần vệ sinh kỹ lưỡng khu vực chó bệnh đã tiếp xúc.
- Chủ nuôi nên hạn chế cho chó chưa được tiêm phòng đầy đủ tiếp xúc với nhiều chó lạ. Tránh đưa chó đến những nơi có nhiều chó tụ tập như công viên chó hay triển lãm chó nếu chúng chưa được bảo vệ đầy đủ.
- Cuối cùng, chủ nuôi cần chú ý vệ sinh cá nhân. Hãy rửa tay kỹ và thay quần áo sau khi tiếp xúc với chó lạ. Điều này giúp giảm nguy cơ mang mầm bệnh về nhà.
10. Câu Hỏi Thường Gặp Về Bệnh Care Ở Chó
Bệnh Care có lây sang người không?
Không, bệnh Care chỉ lây lan giữa các loài chó và một số động vật hoang dã như chồn, cáo và gấu mèo. Mèo cũng có thể nhiễm CDV nhưng thường không biểu hiện bệnh. Con người không bị ảnh hưởng bởi virus này.
Bệnh Care có chữa trị dứt điểm được không?
Không có phương pháp chữa trị dứt điểm cho bệnh Care. Việc điều trị chủ yếu nhằm hỗ trợ điều trị nhiễm khuẩn kế phát và cải thiện hệ miễn dịch.
Có tự chữa cho chó mắc bệnh Care ở nhà được không?
Không nên tự chữa bệnh Care tại nhà. Đây là một bệnh rất truyền nhiễm nguy hiểm và cần điều trị tích cực. Việc điều trị tại nhà có thể khiến tình trạng của chó trở nên tồi tệ hơn.
Chó đã tiêm phòng có thể mắc bệnh Care không?
Chó đã tiêm vaccine có khả năng kháng virus tốt hơn. Tuy nhiên, chúng vẫn có thể mắc bệnh nếu lượng kháng thể trong cơ thể không đủ. Để đảm bảo, nên cho chó làm xét nghiệm test kháng thể sau khi hoàn thành mũi tiêm thứ 3. Nếu số lượng kháng thể không đủ, chó cần được tiêm nhắc lại.
Chó mắc bệnh Care có bị tái phát không?
Sau khi hồi phục, chó thường có miễn dịch lâu dài với virus, có thể kéo dài suốt đời. Tuy nhiên, chó có thể gặp di chứng thần kinh sau khi khỏi bệnh. Những di chứng này có thể xuất hiện ngay lập tức hoặc sau một thời gian dài.
Kết luận
Bệnh Care ở chó là một bệnh do virus gây ra, rất khó chữa trị hoàn toàn vì hiện chưa có thuốc đặc trị. Việc điều trị chủ yếu tập trung vào hỗ trợ chó vượt qua các triệu chứng, ngăn ngừa nhiễm trùng thứ cấp và duy trì sức khỏe tổng quát. Đối với những trường hợp nặng, việc chăm sóc đúng cách và kịp thời có thể giúp tăng cơ hội sống sót, nhưng tỷ lệ tử vong vẫn rất cao.
Tiêm phòng đầy đủ cho chó là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất để bảo vệ chúng khỏi bệnh Care. Nếu nghi ngờ chó mắc bệnh Care, bạn nên đưa chó đến bác sĩ thú y ngay lập tức để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Linhvet – Trang Thông Tin Thú Y
- Fanpage: Linhvet – Trang Thông Tin Thú Y
- Email: Linhvet.contact@gmail.com
- Website: https://linhvet.com
Đỗ Huyền là một bác sỹ thú y có chuyên môn cao, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc thú cảnh. Cô tốt nghiệp Học viện Nông Nghiệp Việt Nam với tấm bằng bác sĩ thú y. Đỗ Huyền có chuyên môn sâu rộng trong việc điều trị bệnh trên động vật, đặc biệt là thú nhỏ. Với hơn 3 năm kinh nghiệm trong việc khám chữa và điều trị cho thú nhỏ, Đỗ Huyền đã xây dựng được nền tảng vững chắc về kỹ năng lâm sàng.