Bệnh Newcastle ở gà được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1926 tại thành phố Newcastle (đây là lý do tại sao bệnh lại có tên gọi là Newcastle). Bệnh này còn có tên gọi là bệnh gà rù hay dịch tả gà. Tác nhân gây bệnh chính là virus NDV thuộc họ Paramyxoviridae. Bệnh có tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong cao. Đặc biệt, ở thể quá cấp tính, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 100% chỉ trong vòng 1-3 ngày sau khi nhiễm bệnh.
Nội dung chính
- Đặc điểm dịch tễ của bệnh Newcastle ở gà
- Gà bệnh lây truyền mầm bệnh cho gà khỏe qua những còn đường nào?
- Cơ chế sinh bệnh Newcastle ở gà
- Triệu chứng điển hình của gà mắc bệnh Newcastle
- Bệnh Tích Của Gà Mắc Bệnh NewCastle
- Bệnh Newcastle ở gà thường bị chẩn đoán nhầm với bệnh nào?
- Làm sao để chẩn đoán gà bị mắc bệnh Newcastle?
- Phương pháp điều trị bệnh Newcastle ở gà
- Phương pháp phòng bệnh Newcastle ở gà
- Xử lý chuồng trại như thế nào khi phát hiện gà bị nhiễm Newcastle?
- Kết luận
Đặc điểm dịch tễ của bệnh Newcastle ở gà
Bệnh Newcastle có thể xảy ra ở gà mọi lứa tuổi vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, gà con sẽ là những đối tượng có biểu hiện triệu chứng nặng nhất do hệ miễn dịch của chúng chưa hoàn thiện. Những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ gà mắc bệnh bao gồm: mật độ chuồng nuôi quá dày, vệ sinh chuồng trại kém.
Ngoài gà, bệnh Newcastle còn có thể xảy ra trên các loài gia cầm khác như gà tây, chim cút, bồ câu,…
Gà bệnh lây truyền mầm bệnh cho gà khỏe qua những còn đường nào?
Virus Newcastle có khả năng lây truyền 2 con đường chính:
- Đường truyền ngang: Virus xâm nhập qua đường tiêu hóa và đường hô hấp. Gà khỏe tiếp xúc với nước mắt, dịch mũi hoặc phân của gà bệnh sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh cao.
- Đường truyền dọc: Gà mẹ có thể lây bệnh cho gà con qua trứng.
Cơ chế sinh bệnh Newcastle ở gà
Khi xâm nhập vào cơ thể, virus NDV bắt đầu quá trình nhân lên mạnh mẽ và gây tổn thương các tế bào vùng hầu họng khiến niêm mạc đường hô hấp bị tổn thương nặng nề. Từ đó gà xuất hiệntriệu chứng như ho, khó thở và sưng phù vùng đầu.
Tiếp theo đó, virus tiếp tục đi theo đường máu lan rộng đến các cơ quan khác. Virus sẽ nhân lên ở các cơ quan phủ tạng (đặc biệt ở gan và hệ sinh dục) và gây nhiễm trùng huyết.
Triệu chứng điển hình của gà mắc bệnh Newcastle
Thời kì nung bệnh của bệnh Newcastle sẽ kéo dài từ 3 -5 ngày. Bệnh Newcastle biểu hiện với ba thể bệnh chính: Thể quá cấp tính, thể cấp tính và thể mạn tính. Gà mắc bệnh ở thể quá cấp tính là đặc biệt nguy hiểm vì có tỷ lệ chết lên đến 100%, gà chết đột ngột chỉ sau vài giờ mắc bệnh,
Với thể quá cấp tính, gà nhiễm bệnh thường xuất hiện các triệu chứng đột ngột và nặng nề. Gà trở nên ủ rũ, xù lông, bỏ ăn và có biểu hiện khó thở nghiêm trọng. Đặc biệt, gà thường tiêu chảy phân xanh có lẫn máu và chết nhanh chóng trong vòng vài giờ với tỷ lệ tử vong có thể lên tới 100%.
Ở thể cấp tính, bà con có thể quan sát thấy gà có triệu chứng sốt cao, mào tím tái, bỏ ăn nhưng uống nhiều nước. Gà thường tiêu chảy phân xanh và xuất hiện các dấu hiệu về thần kinh như co giật, liệt chi. Một số con còn bị viêm kết mạc, chảy nước mắt, nước mũi và khó thở.
Bệnh Newcastle sẽ diễn biến nhanh ở thể quá cấp tính và thể cấp tính với những triệu chứng như khó thở, tiêu chảy phân xanh lẫn máu và, chảy nước mắt nước mũi và liệt chi. Ở thể mạn tính, bệnh sẽ tiến triển chậm hơn nhưng sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất do gà giảm thể trọng và giảm đẻ, chất lướng trứng xấu.
Đối với thể mãn tính, triệu chứng thường kéo dài và ít nghiêm trọng hơn. Gà trở nên gầy yếu, giảm năng suất đẻ trứng đáng kể. Trứng thường có vỏ mềm và biến dạng. Gà có thể xuất hiện các triệu chứng thần kinh như liệt chân, liệt cánh hoặc xoắn cổ.
Bệnh Tích Của Gà Mắc Bệnh NewCastle
Khi mổ khám gà mắc bệnh NewCastle, bà con thường sẽ quan sát thấy những tổn thương ở hệ hô hấp, hệ tiêu hóa và hệ thần kinh.
Tổn thương ở hệ hô hấp
- Xuất hiện các điểm xuất huyết dưới da vùng cổ, mào và tích
- Niêm mạc khí quản sưng đỏ
- Phổi sưng to, chuyển sang màu đỏ sẫm và chứa nhiều dịch tiết
Tổn thương ở hệ tiêu hóa
- Xuất huyết rải rác ở thực quản, dạ dày tuyến và dạ dày cơ
- Niêm mạc ruột viêm đỏ, phù nề và tiết nhiều dịch nhầy
Tổn thương ở hệ thần kinh
- Não bị sưng, mềm và có hiện tượng xuất huyết
- Màng não viêm và chứa nhiều dịch
- Xuất hiện các điểm xuất huyết ở tủy sống và dây thần kinh ngoại biên
Mặc dù bệnh Newcastle có nhiều biểu hiện ở các cơ quan khác nhau nhưng bệnh tích đặc trưng của bệnh là xuất huyết dạ dày tuyến ở đường tiêu hóa
Bệnh Newcastle ở gà thường bị chẩn đoán nhầm với bệnh nào?
Bệnh Newcastle có thể bị chẩn đoán nhầm với các bệnh cũng có triệu chứng thần kinh như Marek, đặc biệt, do bệnh Newcastle là bệnh đường hô hấp trên gà nên bệnh rất dễ nhầm lẫn với các bệnh đường hô hấp khác như Bệnh cúm gà, bệnh ILT, bệnh IB, Bệnh ORT, bệnh Nấm phổi, Bệnh CRD và bệnh Coryza.
Làm sao để chẩn đoán gà bị mắc bệnh Newcastle?
Để chẩn đoán gà mắc bệnh Newcastle thì đầu tiên, các bác sỹ thú y sẽ dựa vào triệu chứng, bệnh tích. Tuy nhiên, những triệu chứng và bệnh tích của bệnh tích của Newcastle thường không quá đặc trưng để có thể chẩn đoán chính xác bệnh. Vì vậy, để chắc chắn, bà con cần gửi mẫu bệnh phẩm (dịch khí quản, phân,…) đến phòng xét nghiệm bệnh vật nuôi. Phương pháp PCR cho phép phát hiện virus Newcastle trong các mẫu bệnh phẩm với độ chính xác cao và thời gian trả kết quả nhanh (24-48 giờ).
Phương pháp điều trị bệnh Newcastle ở gà
Hiện nay, bệnh Newcastle chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, người chăn nuôi có thể áp dụng các biện pháp điều trị hỗ trợ để giảm thiểu tổn thất. Bà con nên sử dụng các loại kháng sinh phổ rộng như Amoxicillin, Colistin hay Enrofloxacin để ngăn ngừa nhiễm trùng thứ phát. Đối với gà bị tiêu chảy và mất nước, việc bổ sung dung dịch điện giải như Oresol hoặc Gluco-K giúp duy trì cân bằng nước và điện giải trong cơ thể.
Bệnh newcastle hiện đang chưa có thuốc điều trị và việc điều trị cũng không mang lại kết quả cao
Bà con cũng cần tăng cường sức đề kháng cho gà bằng cách bổ sung các vitamin thiết yếu như vitamin A, D3, E, K và nhóm B complex. Trong trường hợp gà sốt cao, có thể sử dụng Paracetamol để hạ sốt. Tuy nhiên, liều lượng các loại thuốc cần tuân theo chỉ định của bác sĩ thú y để đảm bảo hiệu quả và an toàn.
Lưu ý: bà con phải nhanh chóng cách ly những con khỏe mạnh với những con bệnh để ngăn chặn sự lây lan của virus.
Phương pháp phòng bệnh Newcastle ở gà
Tiêm phòng vaccine
Tiêm phòng vaccine là biện pháp then chốt giúp phòng ngừa bệnh Newcastle hiệu quả. Người chăn nuôi cần thực hiện tiêm phòng đúng lịch, phù hợp với từng loại gà và mục đích chăn nuôi. Đối với gà thịt, bà con cần tiêm mũi đầu tiên vào tuần tuổi thứ nhất bằng vaccine Newcastle chủng Lasota, sau đó tiêm nhắc lại vào tuần thứ 3-4. Khi gà được 6-7 tuần tuổi, tiến hành tiêm vaccine có độc lực mạnh hơn như chủng F hoặc B1.
Với gà đẻ, lịch tiêm phòng cần thực hiện nghiêm ngặt hơn. Giai đoạn đầu, tiêm vaccine Newcastle chủng La Sota khi gà được 1-2 tuần tuổi, tiêm nhắc lại ở tuần thứ 4-5. Đến tuần thứ 8-9, bà con tiêm vaccine chủng mạnh để tăng cường miễn dịch. Sau đó, định kỳ tiêm nhắc lại 3-4 tháng một lần tùy theo tình hình dịch bệnh trong khu vực. Đặc biệt, người chăn nuôi có thể kết hợp tiêm phòng Newcastle với các bệnh khác như Gumboro, Marek và viêm gan thể vùi để tiết kiệm thời gian và chi phí.
Thực hiện các biện pháp an toàn sinh học và vệ sinh chuồng trại
Song song với việc tiêm phòng, người chăn nuôi cần chú trọng thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học. Bà con cần vệ sinh chuồng trại sạch sẽ hàng ngày, định kỳ phun thuốc sát trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi. Nguồn nước cung cấp cho gà phải sạch và được xử lý đúng cách. Đặc biệt, hạn chế tối đa người và phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi, tránh để gà tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ mang mầm bệnh từ môi trường bên ngoài.
Xử lý chuồng trại như thế nào khi phát hiện gà bị nhiễm Newcastle?
Khi phát hiện gà bị nhiễm Newcastle, bà con cần cách ly ngay những con có dấu hiệu bị bệnh với những con khỏe. Ngoài ra, bà con cần thu gom và xử lý tất cả chất thải của gà bệnh như phân, lông, chất độn chuồng,… và sát trùng chuồng trại bằng chất sát trùng chuyên dụng. Trước khi nhập đàn mới, bà con cũng nên để trống chuồng 2 tuần.
Kết luận
Hiện nay, bệnh Newcastle ở gà đang là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến và nguy hiểm nhất trên gà. Với những bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu thì bà con nên áp dụng những biện pháp phòng bệnh ngay từ đầu để giảm thiểu tối đa thiệt hại. Chúc bà con chăn nuôi thành công!
Linhvet – Trang Thông Tin Thú Y
- Fanpage: Linhvet – Trang Thông Tin Thú Y
- Email: Linhvet.contact@gmail.com
- Website: https://linhvet.com
Linh Nguyễn, một bác sĩ thú y đầy nhiệt huyết với tình yêu mãnh liệt dành cho động vật, đã sáng lập nên Linhvet – Trang Thông Tin Thú Y, nhằm chia sẻ những kiến thức và thông tin hữu ích về cách chăm sóc và chữa bệnh cho động vật. Với mong muốn đóng góp cho sự phát triển của ngành Thú Y Việt Nam, Linhvet cung cấp các tài liệu chuyên môn và cập nhật những tiến bộ mới nhất trong ngành.