Nếu mèo của bạn xuất hiện những triệu chứng như ngứa ngáy, rụng lông thành hình đồng xu hoặc thành từng mảng thì rất có thể chúng đã bị nhiễm nấm. Nấm da tuy không quá nguy hiểm nhưng nó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống và bộ lông của mèo.
Vậy, nguyên nhân khiến cho mèo bị nấm là gì và đâu là phương pháp chữa trị nấm dứt điểm tại nhà. Hãy cùng Linhvet tìm hiểu ngay ở bài viết dưới đây.
Nội dung chính
Tổng Quan Về Bệnh Nấm Da Ở Mèo
Bệnh nấm da (Dermatophytosis) là một trong những bệnh ngoài da phổ biến nhất ở mèo. Căn bệnh này do các loại nấm gây ra, chủ yếu là Microsporum canis, Microsporum gypseum và Trichophyton mentagrophytes. Những loại nấm này có khả năng xâm nhập và phát triển trực tiếp trên da và lông của mèo, khác hẳn với cách hoạt động của ký sinh trùng hay giun sán.
Mặc dù bệnh nấm da có thể ảnh hưởng đến mèo ở mọi lứa tuổi, nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mèo con dưới 1 tuổi và mèo già trên 10 tuổi là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn do hệ miễn dịch của chúng chưa phát triển đầy đủ hoặc đã bắt đầu suy giảm, khiến cơ thể không chống lại được sự xâm nhập của nấm.
Vì Sao Mèo Bị Nấm?
Dưới đây là một số nguyên chính gây nên tình trạng nấm da ở mèo:
- Môi trường sống ẩm ướt: Nấm phát triển mạnh trong điều kiện ẩm ướt và nhiệt độ ấm. Nếu nơi ở của mèo không được vệ sinh thường xuyên hoặc thiếu ánh sáng, đây sẽ là môi trường lý tưởng cho nấm sinh sôi và phát triển. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng bào tử nấm có thể tồn tại trong môi trường trong thời gian dài, đôi khi lên đến vài tháng trong điều kiện lý tưởng.
- Tiếp xúc với mèo bị nhiễm nấm: Bệnh nấm da có tính lây nhiễm cao. Bào tử nấm có thể lây lan qua tiếp xúc trực tiếp giữa mèo khỏe và mèo bệnh hoặc gián tiếp thông qua các đồ dùng chung như lược, chăn, đệm.
- Hệ miễn dịch yếu: Sức đề kháng của mèo đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn sự xâm nhập và phát triển của nấm. Mèo con, mèo già, mèo bị suy dinh dưỡng hoặc mắc các bệnh mãn tính thường có hệ miễn dịch yếu hơn khiến chúng dễ bị nhiễm nấm hơn. Các yếu tố như stress, thay đổi môi trường sống đột ngột, hoặc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch cũng có thể làm suy yếu hệ miễn dịch của mèo và tăng nguy cơ nhiễm nấm.
Mèo Bị Nấm Da Có Những Triệu Chứng Nào?
Nấm Dermatophyte tiết ra các enzyme đặc biệt gọi là keratinase. Enzym này có khả năng phân hủy Keratin thành các phân tử nhỏ hơn và nấm sử dụng nó làm nguồn dinh dưỡng để phát triển. Quá trình này làm suy yếu cấu trúc lông và da của mèo, dẫn đến các triệu chứng đặc trưng của bệnh nấm da.
Các dấu hiệu điển hình của bệnh nấm ở mèo bao gồm:
- Rụng lông: Thường rụng thành từng mảng, có hình tròn hoặc không. Các vùng rụng lông này có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu trên cơ thể mèo, nhưng thường gặp nhất ở đầu, tai, và các chi.
- Ngứa ngáy: Mèo bị nấm thường ngứa ngáy. Tuy nhiên, một số mèo không thể hiện rõ triệu chứng này.
- Da bong tróc: Vùng da bị nhiễm nấm thường có vảy, bong tróc và có thể đỏ hoặc viêm.
- Tổn thương da hình vòng: Đặc trưng của bệnh nấm da là các tổn thương hình tròn hoặc bầu dục, thường có viền đỏ bao quanh. Trung tâm của tổn thương có thể có màu nhạt hơn và có vảy.
- Trong trường hợp nặng, mèo có thể bị nhiễm trùng da kế phát do vi khuẩn xâm nhập vào vùng da bị tổn thương, có thể gây ra mủ hoặc vết loét.
- Viêm da: Da có thể sưng, đỏ và có dấu hiệu viêm nhiễm.
Không phải tất cả mèo bị nấm da đều thể hiện tất cả các triệu chứng này. Những con mèo khỏe mạnh với hệ miễn dịch tốt có thể chỉ có các triệu chứng nhẹ hoặc thậm chí không có triệu chứng rõ ràng nào. Tuy nhiên, chúng vẫn có khả năng lây bệnh cho các con mèo khác và con người.
Các triệu chứng của bệnh nấm da ở mèo có thể dễ nhầm lẫn với các vấn đề da liễu khác như dị ứng, ve rận. Do đó, nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trên da hoặc lông của mèo, chủ nuôi nên đưa mèo đến bác sĩ thú y để được chẩn đoán chính xác và có phương pháp điều trị phù hợp.
Các Phương Pháp Chẩn Đoán Bệnh Nấm Da Ở Mèo
Để chẩn đoán chính xác bệnh nấm da ở mèo, các bác sĩ thú y thường sử dụng kết hợp nhiều phương pháp khác nhau:
Phương Pháp Soi Đèn Wood
Đây là bước đầu tiên trong quá trình chẩn đoán, giúp sàng lọc nhanh các trường hợp nghi ngờ nhiễm nấm. Kỹ thuật này sử dụng ánh sáng cực tím để phát hiện sự hiện diện của nấm. Khi chiếu đèn Wood lên vùng da nghi ngờ, một số loài nấm, đặc biệt là Microsporum canis, sẽ phát ra ánh sáng huỳnh quang màu xanh-lục. Tuy nhiên, Sparkes và cộng sự (2016) chỉ ra rằng chỉ khoảng 50% các trường hợp nhiễm M. canis cho kết quả dương tính với đèn Wood. Do đó, phương pháp này chỉ nên được xem là bước sàng lọc ban đầu, không thể dùng để kết luận chính xác.
Phương Pháp Nuôi Cấy
Đây được coi là “tiêu chuẩn vàng” trong chẩn đoán bệnh nấm da ở mèo. Bác sĩ thú y sẽ lấy mẫu lông và vảy da từ vùng nghi ngờ nhiễm nấm và nuôi cấy trên môi trường đặc biệt. Mẫu được nuôi cấy ở nhiệt độ phòng trong khoảng 7-14 ngày. Nếu có sự hiện diện của nấm dermatophyte, môi trường nuôi cấy sẽ chuyển từ màu vàng sang màu đỏ do sự thay đổi pH. Đồng thời, có thể quan sát thấy các khuẩn lạc nấm đặc trưng. Phương pháp này không chỉ xác định được sự hiện diện của nấm mà còn giúp xác định chính xác loài nấm gây bệnh, từ đó có hướng điều trị phù hợp.
Phương pháp soi kính hiển vi
Bác sỹ thú y sẽ lấy mẫu lông và vảy da ở vùng nghi nhiễm nấm, sau đó soi dưới kính hiển vi để tìm kiếm bào tử nấm. Phương pháp này có thể phát hiện nhanh sự hiện diện của nấm. Soi kính hiển vi thường được kết hợp với các phương pháp khác để tăng độ chính xác trong chẩn đoán.
Phương Pháp Điều Trị Nấm Da Ở Mèo Tại Nhà
Điều trị bệnh nấm da ở mèo thường kéo dài ít nhất một tháng. Phác đồ điều trị thường bao gồm cả thuốc bôi ngoài da và thuốc uống, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh:
Điều Trị Tại Chỗ
Đối với các trường hợp nhẹ, bạn chỉ cần sử dụng thuốc xịt nấm và sữa tắm trị nấm. Các hoạt chất phổ biến trong các sản phẩm này bao gồm miconazole và ketoconazole. Theo nghiên cứu của Moriello (2014), sử dụng sữa tắm chứa 2% miconazole và 2% chlorhexidine hai lần một tuần trong 4 tuần có thể giúp giảm đáng kể số lượng bào tử nấm trên lông mèo. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các sản phẩm này có thể gây kích ứng nếu mèo liếm phải. Do đó, bạn nên đeo loa chống liếm để ngăn mèo liếm các vùng da đã được xịt thuốc.
Điều Trị Toàn Thân
Đối với các trường hợp nặng hoặc lan rộng, việc kết hợp thuốc uống và thuốc bôi là cần thiết. Itraconazole là một trong những thuốc uống hiệu quả nhất nhất trong điều trị nấm da ở mèo. Liều dùng thông thường là 5mg/kg/ngày trong 21 ngày, sau đó dùng cách ngày trong 3 tuần tiếp theo. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc uống cần được thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ thú y do có thể gây tác dụng phụ trên gan.
Điều Trị Hỗ Trợ
Đối với mèo có hệ miễn dịch yếu hoặc mắc bệnh nền, cần thận trọng trong việc lựa chọn phương pháp điều trị. Trong những trường hợp này, cần tăng cường hệ miễn dịch thông qua chế độ dinh dưỡng và bổ sung vitamin.
Cách Phòng Ngừa Bệnh Nấm Da Ở Mèo
Phòng ngừa bệnh nấm ở mèo đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của thú cưng và giảm nguy cơ lây lan sang người. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa hiệu quả:
- Vệ sinh môi trường sống: Thường xuyên làm sạch chuồng, thay đệm nằm và khử trùng các đồ dùng của mèo. Sử dụng dung dịch bleach pha loãng 1:10 với nước có thể giúp tiêu diệt bào tử nấm trên các bề mặt đồ dùng.
- Kiểm soát độ ẩm: Giữ môi trường sống của mèo khô ráo và thông thoáng. Sử dụng máy hút ẩm nếu cần thiết, đặc biệt trong những khu vực có độ ẩm cao.
- Cách ly mèo mới: Khi đưa một con mèo mới về nhà, nên cách ly và theo dõi trong vài tuần trước khi cho tiếp xúc với mèo khác.
- Tăng cường hệ miễn dịch: Cung cấp chế độ dinh dưỡng cân bằng, đầy đủ và bổ sung các vitamin cần thiết để nâng cao sức đề kháng cho mèo. Giảm thiểu stress cũng là một yếu tố quan trọng trong việc duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Đưa mèo đi khám thú y định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe, bao gồm cả bệnh nấm da.
Những Câu Hỏi Thường Gặp Về Bệnh Nấm Da Ở Mèo
Mèo Bị Nấm Có Tự Khỏi Không?
Có. Đối với mèo khỏe mạnh và có hệ miễn dịch tốt, các triệu chứng nhẹ của bệnh nấm có thể tự biến mất mà không cần điều trị. Tuy nhiên, quá trình này thường kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm và trong suốt thời gian này, mèo vẫn có thể bị rụng lông. Hơn nữa, trong giai đoạn này, mèo vẫn có khả năng lây bệnh cho người và các động vật khác. Do đó, mặc dù bệnh có thể tự khỏi, mèo vẫn cần được điều trị để rút ngắn thời gian chữa bệnh và giảm nguy cơ lây lan.
Bệnh Nấm Ở Mèo Có Lây Sang Người Không?
Có, bệnh nấm trên mèo có thể lây sang người. Theo nghiên cứu của Moriello và cộng sự (2017), khoảng 50% các trường hợp nhiễm nấm da ở người có liên quan đến việc tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh, trong đó mèo là nguồn lây phổ biến nhất. Khi tiếp xúc với mèo bị nấm, người có thể bị nhiễm nấm ở các vùng da tiếp xúc trực tiếp như tay, cánh tay, hoặc mặt.
Vì vậy, khi mèo nhà bị nấm, cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa như đeo găng tay khi tiếp xúc với mèo, tránh để mèo ngủ chung giường, và thường xuyên rửa tay sau khi chăm sóc mèo.
Có Nên Tắm Cho Mèo Bị Nấm Không?
Có. Nên tắm cho mèo bị nấm 1-2 lần/tuần bằng các loại sữa tắm chuyên dụng có chứa các hoạt chất kháng nấm như miconazole hoặc chlorhexidine. Tắm giúp loại bỏ bớt vùng da bị bong tróc và giảm số lượng bào tử nấm trên lông mèo, đồng thời giúp da được thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phục hồi.
Lông Mèo Bị Rụng Do Nấm Có Mọc Lại Không?
Có, trong hầu hết các trường hợp, lông mèo bị rụng do nấm sẽ mọc lại sau khi điều trị khỏi. Lông thường bắt đầu mọc lại trong vòng vài tuần sau khi bắt đầu điều trị và có thể mất từ vài tháng đến một năm để lông mọc lại hoàn toàn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm gặp, đặc biệt là khi bệnh nấm gây tổn thương nang lông nghiêm trọng, có thể có những vùng da mà lông không mọc lại hoàn toàn.
Kết luận
Dù bị nặng hay nhẹ, mèo bị nấm cũng nên được điều trị kịp thời để tránh bệnh diễn biến nặng hơn. Hãy hỏi ý kiến của bác sĩ thú y trước khi áp dụng các biện pháp điều trị như tắm thuốc, uống thuốc trị nấm hay sử dụng thuốc xịt tại chỗ.
Linhvet – Trang Thông Tin Thú Y
- Fanpage: Linhvet – Trang Thông Tin Thú Y
- Email: Linhvet.contact@gmail.com
- Website: https://linhvet.com
Đỗ Huyền là một bác sỹ thú y có chuyên môn cao, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc thú cảnh. Cô tốt nghiệp Học viện Nông Nghiệp Việt Nam với tấm bằng bác sĩ thú y. Đỗ Huyền có chuyên môn sâu rộng trong việc điều trị bệnh trên động vật, đặc biệt là thú nhỏ. Với hơn 3 năm kinh nghiệm trong việc khám chữa và điều trị cho thú nhỏ, Đỗ Huyền đã xây dựng được nền tảng vững chắc về kỹ năng lâm sàng.