Bệnh Marek là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất trên gà. Bệnh đặc trưng bởi những khối u rải rác trên khắp bề mặt cơ quan nội tạng như gan, lách, thận …. Bệnh Marek ở gà hiện đang chưa có thuốc điều trị. Đối tượng dễ mắc bệnh nhất là gà từ 6-9 tuần tuổi, đặc biệt là gà mái giống hướng trứng và có tỷ lệ chết lên đến 60-70%, thậm chí là 100%.
Trong bài viết này, Linhvet sẽ cùng bà con tìm hiểu những dấu hiệu, bệnh tích của gà mắc bệnh Marek và các phương pháp phòng bệnh hiệu quả để giảm thiểu thiệt hại kinh tế.
Nội dung chính
- Nguyên nhân gây bệnh Marek ở gà
- Cơ chế gây bệnh của virus Herpes Gallid-2 gây bệnh Marek ở gà
- Gà bị Marek thường biểu hiện những triệu chứng gì?
- Bệnh tích điển hình của gà mắc bệnh Marek
- Bệnh Marek ở gà thường bị chẩn đoán nhầm với bệnh nào?
- Bệnh Marek ở gà có chữa được không?
- Cách xử lý chuồng trại khi phát hiện gà bị nhiễm Marek
- Phương Pháp Phòng Bệnh Marek ở Gà
- Kết luận
Nguyên nhân gây bệnh Marek ở gà
Bệnh Marek ở gà do virus Herpes Gallid-2. Virus này có thể tồn tại trong nang lông của gà. Gà khỏe có thể nhiễm bệnh qua không khí, thức ăn, nước uống có dính virus gây bệnh. Virus Herpes Gallid-2 có thể tồn tại nhiều tháng trong chất độn chuồng, trở thành nguồn lây cho các đàn mới nếu chuồng trại không được xử lý đúng cách.
Cơ chế gây bệnh của virus Herpes Gallid-2 gây bệnh Marek ở gà
Khi xâm nhập vào cơ thể gà, virus tập trung nhân lên tại các tế bào biểu mô đường hô hấp và tế bào lympho T và nhanh chóng xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương của gà. Tại đây, virus làm tế bào phát triển một cách bất thường và hình thành các khối u ác tính ở nhiều cơ quan nội tạng như gan, lách, thận, và các dây thần kinh. Quá trình này dần dần làm suy yếu toàn bộ hệ miễn dịch của gà, khiến cơ thể không thể chống đỡ được với bệnh tật.
Gà bị Marek thường biểu hiện những triệu chứng gì?
Bệnh Marek ở gà biểu hiện qua 3 thể chính với các triệu chứng đặc trưng:
Thể da
- Xuất hiện các khối u nhỏ màu trắng xám quanh lỗ chân lông
- Da trở nên dày sần, sưng tấy
- Lỗ chân lông to bất thường
- Rụng lông cục bộ tại vùng tổn thương
- Khối u tập trung nhiều ở vùng lưng, cánh và đùi
Thể mắt
- Viêm mắt cấp tính với triệu chứng đỏ, sưng và tiết dịch
- Mống mắt chuyển từ màu vàng cam sang xám đen
- Gà tỏ ra khó chịu với ánh sáng mạnh
- Thị lực suy giảm nghiêm trọng
- Đồng tử biến dạng, không đều
- Nhãn cầu có thể bị lồi ra khỏi hốc mắt
Thể thần kinh
Đây là thể bệnh phổ biến và nguy hiểm nhất. Khi virus tấn công hệ thần kinh, gà sẽ xuất hiện hàng loạt rối loạn vận động nghiêm trọng. Các triệu chứng bao gồm:
- Gà đi loạng choạng, liệt một hoặc cả hai chân.
- Gà bị sã cánh và mất khả năng điều khiển cơ thể
- Gà giảm ăn hoặc bỏ ăn hoàn toàn.
Bệnh tích điển hình của gà mắc bệnh Marek
Khi tiến hành mổ khám gà mắc bệnh Marek, bà con có thể quan sát thấy nhiều khối u với kích thước và mức độ nghiêm trọng khác nhau tùy thuộc vào giai đoạn phát triển của bệnh.
Tổn thương ở hệ thần kinh
- Các dây thần kinh ngoại vi sưng to bất thường
- Xuất hiện nhiều khối u nhỏ màu trắng xám chạy dọc theo dây thần kinh
- Tủy sống có dấu hiệu viêm, sưng, trong một số trường hợp có thể bị tổn thương nặng
Tổn thương ở cơ quan nội tạng
- Gan: Có các khối u màu trắng xám rải khắp bề mặt gan
- Lách và thận: Có nhiều khối u nhỏ phân bố rải rác
- Tim: Quan sát thấy các khối u màu trắng xám bám vào cơ tim
- Phổi: Xuất hiện các nốt sần nhỏ màu trắng trên bề mặt
- Buồng trứng và tinh hoàn: Có thể bị teo hoặc xuất hiện khối u
Tổn thương ở da và mắt
- Da xuất hiện nhiều khối u nhỏ quanh lỗ chân lông
- Bề mặt da dày lên, sần sùi và có hiện tượng viêm
- Màng bồ đào mắt bị viêm nặng
- Có thể xuất hiện khối u trong nhãn cầu
Bệnh Marek ở gà thường bị chẩn đoán nhầm với bệnh nào?
Bệnh Marek thường bị chẩn đoán nhầm với bệnh Newcastle và bệnh Leucosis. Với bệnh Newcastle, gà nhiễm bệnh cũng thể hiện các triệu chứng thần kinh tương tự như liệt chi và mất thăng bằng, tuy nhiên diễn biến bệnh thường cấp tính hơn, tỷ lệ lây nhiễm và tử vong cũng xảy ra nhanh chóng hơn so với bệnh Marek.
Trong khi đó, bệnh Leucosis giống Marek ở chỗ cùng gây ra các khối u ở nội tạng. Tuy nhiên, bà con có thể phân biệt thông qua đặc điểm của khối u. Ở bệnh Leucosis, các khối u thường có ranh giới rõ ràng hơn, màu sắc đồng nhất và ít phân tán. Thêm vào đó, bệnh Leucosis thường xuất hiện ở gà trưởng thành, trên 24 tuần tuổi, trong khi bệnh Marek thường tấn công gà ở độ tuổi sớm hơn.
Bệnh Marek ở gà có chữa được không?
Không. Hiện nay bệnh Marek vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và việc điều trị cũng không có nhiều tác dụng vì virus tấn công trực tiếp đến hệ thần kinh và các cơ quan phủ tạng nên tỷ lệ phục hồi và khỏi bệnh thấp.
Cách xử lý chuồng trại khi phát hiện gà bị nhiễm Marek
Khi phát hiện gà nhiễm bệnh, bà con cần nhanh chóng tiêu hủy toàn bộ số gà bị bệnh để ngăn chặn sự lây lan. Đồng thời, cần thực hiện nghiêm ngặt quy trình vệ sinh, khử trùng chuồng trại, thay toàn bộ chất độn chuồng. Cụ thể, bà con cần vệ sinh toàn bộ chuồng nuôi bằng dung dịch sát trùng chuyên dụng, sau đó phun khử trùng bằng các hóa chất như formalin hoặc iodophore để tiêu diệt virus. Vì virus có thể tồn tại trong nang lông của gà và tồn tại ở chất độn chuồng qua nhiều tháng nên tất cả chất thải, xác gà chết, lông vũ đều phải được thu gom và đốt bỏ triệt để. Nên để trống chuồng nuôi ít nhất 6 tháng trước khi nhập đàn mới để đảm bảo virus đã bị tiêu diệt hoàn toàn.
Phương Pháp Phòng Bệnh Marek ở Gà
Trong đó, tiêm phòng vaccine là biện pháp then chốt mà người chăn nuôi không thể bỏ qua. Bà con cần tiêm vaccine cho gà con 1 ngày tuổi, tuân thủ chặt chẽ quy trình về liều lượng và kỹ thuật tiêm. Song song với việc tiêm phòng, công tác vệ sinh thú y đóng vai trò quyết định đến hiệu quả phòng bệnh. Người chăn nuôi cần duy trì vệ sinh chuồng trại sạch sẽ hàng ngày và định kỳ phun thuốc sát trùng 1-2 lần/tuần.
Kết luận
Bệnh Marek ở gà là một trong những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất vì có tỷ lệ chết lên đến 100%. Bệnh Marek không có thuốc điều trị đặc hiệu và dù có điều trị thì cũng không mang lại hiệu quả. Vì vậy, bà con nên làm cẩn thận các biện pháp phòng bệnh như tiêm vắc xin, vệ sinh chuồng trại để giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất.
Linhvet – Trang Thông Tin Thú Y
- Fanpage: Linhvet – Trang Thông Tin Thú Y
- Email: Linhvet.contact@gmail.com
- Website: https://linhvet.com
Kiều Bùi là một bác sĩ thú y đầy nhiệt huyết và tài năng. Cô sở hữu nền tảng kiến thức chuyên sâu về dược lý, đặc biệt trong lĩnh vực điều trị cho gia súc và gia cầm. Với hơn 5 năm kinh nghiệm trong nghề, Kiều Bùi đã chứng minh bản thân là một chuyên gia đáng tin cậy trong việc chăm sóc và chữa bệnh động vật.