Bệnh viêm phế quản truyền nhiễm (IB – Infectious Bronchitis) là một trong những bệnh đường hô hấp phổ biến nhất trên gà với tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong lên đến 100%. Bệnh tấn công gà ở mọi lứa tuổi, từ gà con đến gà trưởng thành và gà đẻ, trong đó gà con dưới 6 tuần tuổi thường có nguy cơ tử vong cao nhất khi nhiễm bệnh. Đối với gà mái đẻ, bệnh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn làm giảm nghiêm trọng năng suất và chất lượng trứng.
Nội dung chính
- Gà mắc bệnh viêm phế quản truyền nhiễm do đâu?
- Những dấu hiệu điển hình khi gà mắc IB
- Bệnh tích trên gà mắc viêm phế quản truyền nhiễm (IB)
- Đâu là phương án điều trị tốt nhất cho gà mắc bệnh viêm phế quản truyền nhiễm (IB)
- Phương pháp phòng bệnh IB trên gà hiệu quả
- Xử Lý Chuồng Trại Như Thế Nào Khi Phát Hiện Gà Bị Nhiễm IB?
- Những Câu Hỏi Thường Gặp Về Bệnh IB Trên Gà
Gà mắc bệnh viêm phế quản truyền nhiễm do đâu?
Virus Infectious Bronchitis thuộc họ Coronavirus là tác nhân gây bệnh IB trên gà. Virus này chủ yếu xâm nhập vào cơ thể gà qua đường hô hấp khi gà hít phải không khí chứa mầm bệnh.
Khi xâm nhập vào cơ thể gà, virus tập trung phá hủy các tế bào biểu mô đường hô hấp, gây viêm niêm mạc khí quản, phế quản và túi khí khiến gà khó thở và giảm khả năng hấp thụ oxy. Gà sau khi khỏi bệnh vẫn có thể mang virus và thải ra môi trường, tiếp tục lây nhiễm cho những con khác. Bệnh thường bùng phát mạnh vào mùa lạnh, khi độ ẩm cao hoặc khi đàn gà bị stress.
Những dấu hiệu điển hình khi gà mắc IB
Sau thời gian ủ bệnh từ 1-3 ngày, gà nhiễm IB thường xuất hiện các triệu chứng:
- Gà ủ rũ, bỏ ăn, khát nước, lông xù, giảm trọng lượng nhanh chóng
- Khó thở, thở khò khè, hắt hơi, chảy nước mũi, mắt sưng
- Ở gà mái đẻ xuất hiện tình trạng đẻ trứng kém, trứng vỏ mềm, lòng đỏ vỡ, thậm chí đẻ trứng trong ổ bụng
- Với thể IB hướng thận, gà bị suy thận, đi ngoài phân trắng và tiêu chảy
Bệnh tích trên gà mắc viêm phế quản truyền nhiễm (IB)
Bệnh IB trên gà thường biểu hiện bệnh tích ở đường hô hấp, thận và các cơ quan sinh sản.
- Xuất huyết nặng đường hô hấp, có dịch nhầy hoặc mủ ở khí quản, xoang mũi
- Đóng kén bã đậu ở ngã ba khí quản
- Thận sưng to, nhạt màu, ống dẫn niệu chứa muối urat
- Ống dẫn trứng giảm kích thước, xơ hoá và teo dần
Đâu là phương án điều trị tốt nhất cho gà mắc bệnh viêm phế quản truyền nhiễm (IB)
Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh IB. Người chăn nuôi chủ yếu tập trung vào điều trị triệu chứng và hỗ trợ cho gà bệnh. Bà con có thể sử dụng kháng sinh phổ rộng để ngăn ngừa và điều trị các bệnh nhiễm trùng thứ phát. Song song với đó, cần bổ sung vitamin để tăng cường sức đề kháng và dùng thuốc long đờm giúp giảm các triệu chứng hô hấp cho đàn gà.
Đối với những con bệnh nặng hoặc đã chết, người chăn nuôi cần nhanh chóng tiêu hủy để tránh mầm bệnh phát tán ra môi trường.
Phương pháp phòng bệnh IB trên gà hiệu quả
Người chăn nuôi cần phòng bệnh cho gà con từ 1 ngày tuổi và nhắc lại sau 2-3 tuần. Hiện nay có nhiều loại vắc-xin IB khác nhau như vắc-xin sống giảm độc lực và vắc-xin bất hoạt, trong đó vắc-xin dạng nhỏ mắt, mũi được sử dụng phổ biến nhất.
Bên cạnh đó, công tác vệ sinh phòng bệnh cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Bà con cần duy trì vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thường xuyên tiêu độc khử trùng. Khi phát hiện gà bệnh, cần nhanh chóng cách ly để ngăn chặn lây lan. Người chăn nuôi cũng cần đảm bảo cung cấp thức ăn, nước uống sạch sẽ và quản lý đàn gà hợp lý để tránh stress.
Xử Lý Chuồng Trại Như Thế Nào Khi Phát Hiện Gà Bị Nhiễm IB?
Khi phát hiện gà mắc bệnh IB, người chăn nuôi cần nhanh chóng cách ly những con bệnh để ngăn chặn sự lây lan trong đàn. Đồng thời, cần tăng cường công tác tiêu độc khử trùng bằng các loại thuốc sát trùng như iodine, formalin cho toàn bộ chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi.
Sau khi đã tiêu hủy hết gà bệnh, bà con nên để trống chuồng trại ít nhất 2 tuần trước khi nhập đàn mới để đảm bảo môi trường đã được khử trùng hoàn toàn.
Những Câu Hỏi Thường Gặp Về Bệnh IB Trên Gà
1. Các triệu chứng của bệnh IB thường bị nhầm lẫn với các bệnh nào?
Bệnh IB thường bị chẩn đoán nhầm với các bệnh đường hô hấp khác như bệnh ILT (viêm thanh khí quản truyền nhiễm), bệnh ORT (Viêm phổi hóa mủ), bệnh CRD (hô hấp mạn tính), bệnh Coryza (Sổ mũi truyền nhiễm), Bệnh Cúm Gia Cầm, Bệnh Nấm Phổi và Bệnh Newcastle.
2. Bệnh IB thường ghép với bệnh nào?
Bệnh IB thường xuất hiện đồng thời với các bệnh khác như Newcastle và CRD, làm tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh và gây khó khăn trong điều trị.
Kiều Bùi là một bác sĩ thú y đầy nhiệt huyết và tài năng. Cô sở hữu nền tảng kiến thức chuyên sâu về dược lý, đặc biệt trong lĩnh vực điều trị cho gia súc và gia cầm. Với hơn 5 năm kinh nghiệm trong nghề, Kiều Bùi đã chứng minh bản thân là một chuyên gia đáng tin cậy trong việc chăm sóc và chữa bệnh động vật.