Đặc điểm khí hậu nóng ẩm của Việt Nam là yếu tố thúc đẩy sự phát triển và lây lan nhanh chóng của nhiều bệnh đường hô hấp trên gà, trong đó có bệnh viêm thanh khí quản truyền nhiễm (ILT). Bệnh này có tỷ lệ chết dao động từ 10-20% và có thể lên đến 50-70% khi bệnh tiến triển nặng.
Bệnh ILT trên gà do virus herpes gallid alpha type 1 (GaHV-1) họ Herpesviridae gây ra. Virus này có khả năng tấn công trực tiếp vào hệ hô hấp của gà, đặc biệt là vùng thanh quản và khí quản. Sau khi khỏi bệnh, gà vẫn có thể đào thải virus trong nhiều năm.
Nội dung chính
Đặc điểm dịch tễ của bệnh viêm thanh khí quản truyền nhiễm trên gà (ILT)
Gà từ 20 ngày tuổi đến dưới 1 năm tuổi là lứa tuổi mẫn cảm nhất với bệnh viêm thanh khí quản truyền nhiễm. Bệnh thường xảy ra vào thời điểm giao mùa và nóng ẩm vì trong giai đoạn này, gà rất dễ bị stress và suy giảm sức đề kháng. Gà tây, gà lôi, chim, ngỗng,… cũng là những đối tượng mẫn cảm với bệnh ILT.
Một trong những nguyên nhân khiến gà mắc bệnh ILT chính là mật độ chuồng nuôi quá dày đặc và chuồng trại có nhiều khí thải độc hại như NH3 làm tổn thương niêm mạc đường hô hấp của gà.
Gà Nhiễm Bệnh ILT Qua Những Con Đường Nào?
Gà nhiễm bệnh đào thải virus qua dịch tiết đường hô hấp, virus tồn tại trong không khí, máng ăn, máng uống, dụng cụ chăn nuôi,… trong một thời gian dài và trở thành nguồn lây bệnh cho các con gà khỏe. Bệnh cũng có thể lây truyền qua trứng.
Cách chẩn đoán bệnh viêm thanh khí quản truyền nhiễm trên gà
Để chẩn đoán bệnh ILT trên gà, các bác sỹ thú y thường căn cứ vào 3 yếu tố chính: Triệu chứng, Bệnh tích và các xét nghiệm cận lâm sàng.
1. Chẩn đoán qua triệu chứng
Sau thời gian ủ bệnh từ 5-12 ngày kể từ khi nhiễm virus, gà thường bắt đầu biểu hiện các triệu chứng đặc trưng của bệnh ILT. Những dấu hiệu dễ nhận biết nhất bao gồm:
- Gà có biểu hiện khó thở rõ rệt, thở khò khè và thường xuyên vươn cổ lên cao để cố gắng hít thở
- Năng suất trứng giảm đáng kể, chất lượng trứng không đảm bảo.
- Gà ủ rũ, lông xơ xác.
- Gà bị viêm kết mạc, kèm theo hiện tượng chảy nước mắt và nước mũi.
Những triệu chứng này không có nhiều ý nghĩa trong công tác chẩn đoán vì đây là những triệu chứng chung khi gà mắc các bệnh đường hô hấp.
2. Chẩn đoán bằng các bệnh tích đặc trưng
Bệnh tích đặc trưng nhất của bệnh ILT trên gà là xuất huyết điểm ở ⅓ đoạn trên khí quản. Khí quản có chứa dịch nhầy màu vàng lẫn máu.
3. Chẩn đoán bằng phương pháp cận lâm sàng
Vì triệu chứng và bệnh tích của bệnh ILT không đặc trưng nên bà con cần thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán chính xác gà có bị mắc bệnh ILT hay không. Bà con cần gửi mẫu bệnh phẩm (dịch tiết đường hô hấp) đến các phòng xét nghiệm chuyên dụng để thực hiện các xét nghiệm như PCR, ELISA. Xét nghiệm PCR hiện đang là phương pháp có độ chính xác cao nhất và có thể trả kết quả trong vòng 1-2 ngày.
Đâu là cách điều trị bệnh ILT trên gà hiệu quả nhất?
Khi phát hiện ra gà mắc bệnh ILT, bà con cần lập tức cách ly con khỏe với con bệnh để tránh lây lan thêm mầm bệnh. Sau đó, bà con nên giãn rộng mật độ chuồng nuôi, xử lý và sát trùng chuồng trại (chất độn chuồng, dụng cụ chăn nuôi, máng ăn, máng uống,..)
Hiện nay, bệnh ILT trên gà vẫn chưa có thuốc đặc trị. Để giảm thiểu thiệt hại, bà con cần tập trung vào các biện pháp điều trị giảm thiểu triệu chứng, nâng cao sức đề kháng cho gà và ngăn chặn nhiễm khuẩn kế phát.
Trước tiên, cần sử dụng kháng sinh để phòng ngừa nhiễm trùng thứ phát. Các loại kháng sinh thường dùng bao gồm Oxytetracycline, Doxycycline, Florfenicol và Amoxicillin. Song song với việc dùng kháng sinh, bà con nên kết hợp thuốc long đờm như Bromhexin, Ambroxol hoặc Acetylcysteine để giúp gà dễ thở hơn.
Để tăng cường sức đề kháng cho đàn gà, người chăn nuôi cần bổ sung các loại vitamin thiết yếu như vitamin A, C, E và nhóm vitamin B.
Lưu ý: Liều lượng sử dụng cần có sự tham khảo của bác sỹ thú y.
Cách phòng bệnh ILT
Sử dụng vắc xin là phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Vắc xin ILT thường được sử dụng dưới dạng nhỏ mũi. Bà con nên nhỏ vắc xin ILT lần đầu khi gà được 25 ngày tuổi và nhắc lại sau 1 tháng.
Song song với việc tiêm phòng, người chăn nuôi cần duy trì vệ sinh chuồng trại thường xuyên, khử trùng dụng cụ chăn nuôi để loại bỏ mầm bệnh. Khi phát hiện gà bệnh, cần nhanh chóng cách ly khỏi đàn để ngăn chặn sự lây lan. Vì gà khỏi bệnh vẫn có thể đào thải mầm bệnh trong thời gian dài nên sẽ không được tái đàn hoặc nhập vào đàn mới.
Bà con cũng nên lựa chọn mua gà giống từ những trại uy tín để giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh ngay từ đầu.
Những Câu Hỏi Thường Gặp Về Bệnh ILT Ở Gà
1. Chẩn đoán phân biệt bệnh ILT với các bệnh đường hô hấp khác như thế nào?
Bệnh ILT thường bị chẩn đoán nhầm với các bệnh hô hấp khác như bệnh ORT (viêm phổi hóa mủ), bệnh IB (viêm phế quản truyền nhiễm) và bệnh CRD (do đều có những triệu chứng chung của các bệnh đường hô hấp (gà khó thở, hen khẹc, chảy nước mắt, nước mũi,…). Bà con có thể chẩn đoán phân biệt bệnh ILT qua bệnh tích xuất huyết điểm ở 1/3 đoạn khí quản phía trên. Tuy nhiên, triệu chứng này vẫn rất dễ nhầm lẫn. Vì vậy, phương pháp cận lâm sàng vẫn là phương pháp chẩn đoán chính xác nhất.
2. Virus Herpes gây bệnh ILT trên gà có giống với virus Herpes gây bệnh Marek không?
Không. Mặc dù cả hai loại virus đều gây bệnh cho gà và cùng thuộc họ Herpesviridae, nhưng virus gây bệnh ILT và virus gây bệnh Marek hoàn toàn khác biệt về đặc điểm sinh học, cơ chế gây bệnh và đường lây truyền. Virus Herpes gây bệnh ILT tập trung tấn công đường hô hấp trên, trong khi virus Herpes gây bệnh Marek nhắm vào hệ thần kinh và nội tạng.
3. Có nên can thiệp vắc xin vào ổ dịch không?
Trong giai đoạn sớm của bệnh, bà con có thể can thiệp vắc xin vào ổ bệnh để giảm thiểu thiệt hại nhưng nếu bệnh đã tiến triển thì bà con không nên sử dụng vắc xin.
Kết Luận
Bệnh viêm thanh khí quản truyền nhiễm (ILT) đã và đang gây nhiều thiệt hại cho ngành chăn nuôi gia cầm tại Việt Nam. Virus ILT có khả năng lây lan nhanh chóng qua đường hô hấp và các vật dụng chăn nuôi, đặc biệt nguy hiểm với gà từ 20 ngày đến 1 năm tuổi. Mặc dù chưa có thuốc đặc trị, người chăn nuôi có thể kiểm soát bệnh thông qua việc kết hợp nhiều biện pháp như dùng kháng sinh, thuốc long đờm và bổ sung vitamin. Tuy nhiên, phòng bệnh vẫn là ưu tiên hàng đầu, trong đó tiêm phòng vắc-xin đúng lịch đóng vai trò quan trọng nhất. Bà con cần chú trọng vệ sinh chuồng trại, thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học, đồng thời theo dõi sát sao đàn gà để phát hiện và xử lý kịp thời khi có dấu hiệu bệnh.
Linhvet – Trang Thông Tin Thú Y
- Fanpage: Linhvet – Trang Thông Tin Thú Y
- Email: Linhvet.contact@gmail.com
- Website: https://linhvet.com