Bệnh đầu đen ở gà (hay còn được gọi là bệnh viêm gan ruột truyền nhiễm) là một bệnh nguy hiểm do ký sinh trùng đơn bào Histomonas meleagridis gây ra. Bệnh đầu đen gây tổn thương nghiêm trọng đến gan và ruột già của gà với tỷ lệ tử vong có thể lên đến 80-100% nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Tại Việt Nam, bệnh đầu đen thường xuất hiện ở các trại chăn nuôi gà quy mô lớn, đặc biệt là trong môi trường chăn nuôi gà thả vườn, nơi điều kiện vệ sinh thường không được đảm bảo. Điều này đặt ra thách thức lớn cho ngành chăn nuôi gia cầm của nước ta, đòi hỏi bà con chăn nuôi cần nâng cao kiến thức và kỹ năng trong việc phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị bệnh này một cách hiệu quả.
Tất cả thông tin về triệu chứng, bệnh tích, cách điều trị và phòng bệnh đầu đen trên gà đều được Linhvet cung cấp ở bài viết dưới đây.
Nội dung chính
1. Nguyên nhân chính gây bệnh đầu đen
Nguyên nhân chính gây ra bệnh đầu đen (Histomoniasis) ở gà là do sự xâm nhập của ký sinh trùng đơn bào Histomonas meleagridis. Vòng đời của Histomonas meleagridis bắt đầu khi ký sinh trùng này xâm nhập vào cơ thể gà thông qua việc ăn phải trứng giun kim (Heterakis gallinarum) đã nhiễm bệnh. Sau khi vào cơ thể gà, ký sinh trùng phát triển và sinh sản trong ruột già, sau đó di chuyển đến gan gây tổn thương. Ký sinh trùng tiếp tục được đào thải qua phân, giun đất ăn phải trứng giun kim và tạo thành nguồn lây nhiễm mới trong môi trường.
Gà cũng có thể nhiễm bệnh qua vật dụng trong chuồng nuôi như máng ăn, chất độn chuồng,…
2. Gà ở lứa tuổi nào dễ mắc bệnh đầu đen?
Đối tượng gà dễ mắc bệnh đầu đen bao gồm gà con từ 3-12 tuần tuổi và gà già. Giống gà tây là loài mẫn cảm nhất với bệnh này. Bệnh được ghi nhận hầu hết ở những trang trại gà thả vườn.
Bệnh đầu đen ở gà thường xuất hiện mạnh vào mùa mưa với tỷ lệ lây nhiễm cao vì khí độ ẩm cao tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và lan truyền của ký sinh trùng cũng như các vật chủ trung gian của chúng.
3. Dấu hiệu lâm sàng của gà mắc bệnh đầu đen
Bệnh đầu đen ở gà thể hiện qua nhiều triệu chứng khác nhau, tùy thuộc vào giai đoạn và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Bệnh chia làm 2 thể chính là thể cấp tính và thể mạn tính. Với thể cấp tính, bệnh thường tiến triển ồ ạt và có dấu hiệu nặng hơn thể mạn tính. Gà mắc bệnh đầu đen ở thể mạn tính sẽ gầy gò, giảm đẻ nghiêm trọng gây thiệt hại đến kinh tế.
Thể cấp tính
- Gà sốt, bỏ ăn, uống ít
- Phân lỏng có màu vàng hoặc xanh, có mùi hôi đặc trưng
- Da đầu chuyển sang màu xanh đen (triệu chứng điển hình)
- Gà ủ rũ, lông xù, cánh rũ
- Mào và tích tím tái (Đây là triệu chứng đặc trưng của bệnh nhưng rất dễ nhầm lẫn sang các bệnh khác)
- Tỷ lệ tử vong cao, gà có thể chết sau 1-2 tuần kể từ khi nhiễm bệnh nếu không điều trị kịp thời
Thể mạn tính
- Gà gầy yếu, tăng trưởng chậm, gà bị suy dinh dưỡng.
- Giảm năng suất đẻ trứng
- Gà đi phân lỏng kéo dài, có thể kèm theo máu
- Lông xơ xác, mất màu
4. Bệnh tích của gà mắc bệnh đầu đen
Bệnh tích của gà mắc bệnh đầu đen chủ yếu xuất hiện ở gan và manh tràng. Đây là hai vị trí bệnh tích chính được sử dụng để chẩn đoán phân biệt bệnh đầu đen với các bệnh khác.
Bệnh tích ở gan
Đặc trưng nhất là gan sưng to hơn bình thường 2-3 lần và xuất hiện những vết hoại tử hình hoa cúc. Những tổn thương này thường có màu vàng nhạt đến vàng sẫm, tạo thành các ổ hoại tử tròn hoặc không đều. Kích thước của các ổ hoại tử có thể dao động từ vài milimet đến vài centimét. Trong một số trường hợp nặng, các ổ hoại tử có thể chiếm đến 80% diện tích bề mặt gan.
Bệnh tích ở manh tràng
Bệnh tích đặc trưng nhất ở manh tràng là manh tràng sưng to và tăng sinh dày, chất chứa bên trong manh tràng cứng chắc tạo khối dạng như canxi màu trắng lấp đầy bên trong.
Ngoài ra, có 1 số trường hợp khi mổ khám manh tràng không thấy có chất chứa bên trong màu hồng và nhớt giống như máu cá.
5. Phương pháp điều trị bệnh đầu đen ở gà
Hai loại thuốc phổ biến và hiệu quả trong điều trị bệnh đầu đen là Dimetridazole và Furazolidone. Theo hướng dẫn của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), liều lượng Dimetridazole khuyến cáo là 0.04% trong thức ăn hoặc nước uống. Bà con có thể hòa 1g Dimetridazole vào 2.5 lít nước uống hoặc trộn 400g thuốc vào 1 tấn thức ăn. Thời gian điều trị thường kéo dài từ 5-7 ngày, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Furazolidone có thể được sử dụng với liều lượng 0.05% để giảm triệu chứng và chống nhiễm khuẩn thứ phát. Bà con có thể trộn 500g Furazolidone vào 1 tấn thức ăn và cho gà ăn liên tục trong 7-10 ngày.
Ngoài ra, bà con nên bổ sung vitamin tổng hợp vào nước uống với liều lượng 1g/lít nước, cho uống liên tục trong 5-7 ngày.
“Dimetridazole và Furazolidone là 2 hoạt chất thường được sử dụng trong việc điều trị bệnh đầu đen. Ngoài ra, bà con nên bổ sung Vitamin tổng hợp để tăng sức đề kháng cho gà và các loại kháng sinh phổ rộng để ngăn ngừa bội nhiễm.”
Trong nhiều trường hợp, bệnh đầu đen có thể dẫn đến bội nhiễm vi khuẩn, làm tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Để phòng ngừa và điều trị bội nhiễm, người chăn nuôi có thể sử dụng kháng sinh phổ rộng như Enrofloxacin hoặc Oxytetracycline. Liều lượng sử dụng Enrofloxacin là 10mg/kg trọng lượng cơ thể, cho uống trong 3-5 ngày. Đối với Oxytetracycline, liều lượng khuyến cáo là 50mg/kg trọng lượng cơ thể, cho uống trong nước hoặc trộn vào thức ăn trong 5-7 ngày.
Lưu ý: Việc sử dụng thuốc cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ thú y và đảm bảo thời gian ngưng thuốc trước khi xuất đàn.
6. Cách phòng ngừa bệnh đầu đen ở gà
Vệ sinh chuồng trại
Bà con cần thường xuyên vệ sinh chuồng trại tối thiểu 1-2 lần/tuần và thay chất độn chuồng định kỳ. Sử dụng vôi bột là phương pháp khử trùng tiết kiệm và hiệu quả. Bà con nên chọn loại vôi bột mới, còn tính kiềm cao mới có tác dụng khử trùng tốt. Nên rải vôi bột vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát khi chuồng trống để tránh gây stress cho gà do nhiệt độ cao, với liều lượng khoảng 300-500g vôi bột/m2 diện tích chuồng nuôi.
Tẩy giun định kỳ
Vì giun kim được xem như là 1 vật chủ trung gian gây bệnh đầu đen nên bà con nên tẩy giun cho gà mỗi 3-4 tháng để kiểm soát giun kim. Một số hoạt chất có hiệu quả trong việc tẩy giun trên gà bao gồm Levamisole (liều lượng 20-25mg/kg trọng lượng cơ thể), Fenbendazole (liều lượng 5mg/kg trọng lượng cơ thể, cho uống hoặc trộn vào thức ăn trong 3 ngày liên tiếp), và Ivermectin (liều lượng 0.2mg/kg trọng lượng cơ thể, tiêm dưới da hoặc cho uống).
Quản lý ra-vào trại
Bà con cần áp dụng các biện pháp quản lý đàn hiệu quả như cách ly gà mới nhập về trong ít nhất 2 tuần trước khi ghép đàn và áp dụng nguyên tắc “Cùng vào-cùng ra”. Ngoài nên tăng cường sức đề kháng cho đàn gà thông qua chế độ dinh dưỡng cân đối và bổ sung vitamin, khoáng chất.
7. Những câu hỏi thường gặp về bệnh đầu đen ở gà
Những dấu hiệu nào cảnh báo bệnh đầu đen ở gà một cách sớm nhất?
Triệu chứng ban đầu của bệnh đầu đen ở gà thường bao gồm:
- Gà bỏ ăn, uống ít
- Gà trở nên lờ đờ, ít vận động
- Phân lỏng có màu vàng hoặc xanh, có mùi hôi đặc trưng
Người chăn nuôi cần đặc biệt chú ý đến những dấu hiệu này, đặc biệt là khi chúng xuất hiện đồng thời trên nhiều con trong đàn. Phát hiện sớm và can thiệp kịp thời sẽ giúp tăng hiệu quả điều trị và giảm thiểu thiệt hại trong chăn nuôi.
Bệnh đầu đen ở gà có thể ghép với những bệnh nào?
Bệnh đầu đen thường có thể ghép với một số bệnh khác như Đầu đen ghép E.Coli bại huyết, Đầu đen ghép Cầu trùng, Đầu đen ghép CRD, Đầu đen ghép Đậu gà.
Bệnh đầu đen ở gà thường bị chẩn đoán nhầm với bệnh gì?
Bệnh Đầu đen thường được chẩn đoán nhầm với các bệnh như Marek, Tụ huyết trùng, Lao gà. Trong chẩn đoán, bác sỹ thú y nên kết hợp quan sát triệu chứng lâm sàng với mổ khám bệnh tích để đưa ra kết luận chính xác.
Bệnh đầu đen có gây hại cho con người không?
Không, bệnh đầu đen không gây hại cho con người. Bệnh này chỉ lây nhiễm và gây bệnh trên gia cầm, đặc biệt là gà và gà tây. Ký sinh trùng Histomonas meleagridis gây ra bệnh đầu đen không có khả năng xâm nhập và gây bệnh trên người.
7. Kết luận
Bệnh đầu đen là bệnh do ký sinh trùng gây ra và ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất chăn nuôi do có tỷ lệ chết lên đến 90% nếu không được điều trị kịp thời. Cách phòng bệnh tốt nhất chính là tẩy giun định kỳ và vệ sinh chuồng nuôi định kỳ.
Linhvet – Trang Thông Tin Thú Y
- Fanpage: Linhvet – Trang Thông Tin Thú Y
- Email: Linhvet.contact@gmail.com
- Website: https://linhvet.com
Kiều Bùi là một bác sĩ thú y đầy nhiệt huyết và tài năng. Cô sở hữu nền tảng kiến thức chuyên sâu về dược lý, đặc biệt trong lĩnh vực điều trị cho gia súc và gia cầm. Với hơn 5 năm kinh nghiệm trong nghề, Kiều Bùi đã chứng minh bản thân là một chuyên gia đáng tin cậy trong việc chăm sóc và chữa bệnh động vật.